DI TÍCH - DANH THẮNG DI TÍCH - DANH THẮNG

Quy ước Làng Vân Môn
Publish date 22/12/2022 | 10:19  | Lượt xem: 20002

QUY ƯỚC LÀNG VÂN MÔN

LỜI NÓI ĐẦU

Làng Vân Môn” Triết tự nghĩa là cổng trời”, gốc xưa thuộc làng Hát Môn, tổng Cốc, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Do làng ở ven sông Đáy nay lở mai bồi. Vì vậy làng san dân lập ấp, lâu dần thành làng lớn.

Năm 1894( năm giáp ngọ) làng tách ra khỏi làng Hát Môn, thành làng Vân Môn sau thuộc tổng Thọ Lão, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Trước cách mạng tháng 8 làng Hưu Trưng và làng Vân Môn nhập thành xã Vân Thủy. Cuối năm 1948 sáp nhập 3 xã: Trung Hà- Vân Thủy- Ngũ Châu thành một xã Trung Châu, Trải qua bao biến động của lịch sử, mỗi người dân làng Vân Môn vẫn phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, tiêu biểu như trận chống càn Vân Thủy tháng 6- 1945.

Hòa bình lập lại nhân dân và cán bộ trong làng lại khẩn trương bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, hàn gắn lại vết thương chiến tranh, khắc phục khó khăn gian khổ, cùng với các làng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất để ổn định cuộc sống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng đã đưa hàng trăm thanh niên lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam anh hùng. Với khí thế ” Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” nhiều thanh niên của làng đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều thanh niên đã rèn luyện phấn đấu tốt và trưởng thành trong quân đội, với truyền thống ham làm hiếu học, người dân làng Vân Môn đã khắc phục khó khăn, ổn định được cuộc sống và hướng đi lên. Các gia đình đã chú ý cho con em học tập vì tương lai cuả quê hương. Đến nay làng đã có 1 phó giáo sư- phó tiến sỹ và 1 người con của nhân dân được phong quân hàm cấp tướng trong quân đội, có nhiều kỹ sư đang phục vụ các nhiệm vụ của đất nước.

Thực hiện nghị quyết lần thứ năm BCH TW (khóa VIII) về “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Chỉ thị của thủ tướng chính phủ về việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của làng, bản thôn, ấp và Kế hoạch của UBND Huyện Đan phượng về sửa đổi, bổ sung quy ước làng, tổ dân phố. làng Vân Môn sửa đổi bổ sung biên soạn lại quy ước nhằm đề cao các chuẩn mực đạo đức thuần phong mỹ tục , xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời  sống văn hóa lành mạnh, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tích cực thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phấn đấu xây dựng làng Vân Môn tiếp tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa.

NỘI DUNG QUY ƯỚC

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy ước làng Vân Môn được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kết hợp hài hòa với thuần phong mỹ tục của địa phương, thể hiện ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Quy ước quy định về các chuẩn mực xử xự của các gia đình, cá nhân về: xây dựng nếp sống văn hóa, quan hệ gia đình – xã hội, việc cưới việc tang, lễ hội, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ công trình công cộng, vệ sinh môi trường hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình hòa thuận ấm no hạnh phúc, thôn, làng giàu đẹp, văn minh, đoàn kết, có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp phong phú.

Điều 2: Làng Vân Môn thuộc địa dư hành chính xã Trung Châu huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội được tổ chức thành 2 cụm, cụm dân cư số 4  và cụm dân cư số 5.

Những người trong làng không phân biệt giới tính, độ tuổi, tôn giáo, trình độ, có hộ khẩu thường trú, tạm trú trong làng, những người con xa quê về thăm đều thực hiện nghiêm túc nội dung các điều trong quy ước này.

Chương II.

QUAN HỆ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Điều 3: Vợ chồng phải thực sự bình đẳng, đoàn kết, chung thủy, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi công việc, cùng nhau chăm lo công việc gia đình, xã hội, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học hành thành đạt, tích cực phấn đấu xây dựng “ gia đình văn hóa ” theo 4 tiêu chuẩn sau:

* Gia đình hoà thuận - Hạnh phúc - Tiến bộ.

* Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao

* Đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng( làng, thôn…).

* Thực hiện tốt trách nhiệm công dân.

Điều 4: Mỗi thành viên trong gia đình phải yêu thương giúp đỡ, tôn trong lẫn nhau, ông bà cha mẹ có trách nhiệm chăm lo nuôi dạy con cháu lên người nêu cao đạo đức trong sáng mẫu mực làm gương để con cháu noi theo. Con cháu phải hiếu thảo, lễ phép, kính trên nhường dưới và có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi già bệnh tật ốm đau.

Điều 5: Đối với anh chị em trong nội tộc, hàng xóm láng giềng phải giữ đúng ngôi thứ, vai trên vế dưới, tôn ty trật tự tránh lộn xộn mất đoàn kết. Phải thân mật chân thành, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ những gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn.

Đối với việc xóm, việc làng mọi người phải hăng hái tham gia, có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương; đấu tranh phê phán thói ích kỷ, đua đòi, gian tham, vũ phu, lười biếng; Khuyến khích tính trung thực, yêu lao động và tinh thần “ Mình vì mọi người”.

Điều 6: Mọi người mọi nhà xây dựng thói quen kính trọng người cao tuổi, đấu tranh chống bạo lực trong gia đình ngăn chặn những hành vi ngược đãi phụ nữ, người già và trẻ em, thực hiện nếp sống văn hóa trong quan hệ xã hội, giao tiếp hằng ngày, giáo dục trẻ em không nói tục, chửi bậy đánh nhau, từng bước nâng cao nhận thức để xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Các thành viên trong gia đình, thôn xóm sống lựa nhau trong lời ăn tiếng nói thể hiện “ lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, chân tình góp ý tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các mối quan hệ láng giềng, thân thiện để cộng đồng dân cư sống yên vui, hòa thuận, đoàn kết. Khi nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, dòng tộc mọi người cần giữ thái độ bình tĩnh, lắng nghe để tìm hướng giải quyết hợp tình hợp lý, tránh xúc phạm nhau dẫn đến bạo lực gây mất đoàn kết. Khi tổ hòa giải đến góp ý phân giải, mọi người cần tôn trọng và tiếp thu.

CHƯƠNG III

CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA – XÃ HỘI

Điều 7: Làng quan tâm đến nhu cầu văn hóa của nhân dân, các cụm dân cư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tiến tới thành lập câu lạc bộ “văn hóa – văn nghệ” hoặc câu lạc bộ “văn hóa - thể thao”: trong thời gian tới sẽ xây dựng  nhà văn hóa, để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí trong các dịp tết, hội hè, các ngày nghỉ lễ và tổ chức hội họp.

Khuyến khích các hoạt động văn hóa – thể thao lành mạnh, động viên các diễn viên, vận động viên, nhạc công hăng say tập luyện văn nghệ, thể dục, thể thao và tham gia các hội thi, hội diễn, thi đấu ở các cấp thôn, xã, huyện… mang thành tích về cho quê hương. Hoan nghênh và khuyến khích các nhà tài trợ tự nguyện, đầu tư trí tuệ, thời gian, tiền của giúp phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong làng phát triển, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Điều 8: Toàn dân có trách nhiệm giữ gìn, phát huy thuần phong mỹ tục của quê hương, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các địa phương khác tạo nên nét đẹp văn hóa riêng. Tích cực đấu tranh, lên án các hình thức văn hóa lai căng, đồi trụy, phản động, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh xây dựng lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao tiếp ứng xử quan hệ hàng ngày.

Điều 9: Làng khuyến khích việc học hành nâng cao dân trí cho thế hệ trẻ. Các gia đình có trách nhiệm động viên, tạo điều kiện thuận lợi để 100% con em trong độ tuổi được học hành. Các cụm dân cư duy trì phát triển quỹ khuyến học để động viên phong trào học tập và khen thưởng những học sinh có thành tích xuất sắc, khuyến khích phát triển tài năng, khuyến khích các dòng họ, các xóm thành lập quỹ khuyến học để động viên con em trong dòng tộc, trong xóm học hành thành đạt, phấn đấu đến năm 2020 nhân dân trong làng  có trình độ phổ cập Trung học phổ thông.

Điều 10: Xây dựng mô hình gia đình văn minh, tiến bộ hạnh phúc, mỗi cặp vợ chồng nên đẻ từ 1 đến 2 con, không sinh con thứ 3. Các cụm dân cư các cần tuyên truyền vận động các gia đình trẻ tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Không phân biệt đối xử, không coi trọng con trai, con gái. Người mẹ trong thời kỳ mang thai cần được bảo vệ, khám định kỳ, khi sinh con cần đến cơ sở y tế. đấu tranh chống các hành vi bạo lực trong gia đình và ngược đãi phụ nữ, trẻ em. Mọi người tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn do làng, cụm dân cư tổ chức. thể hiện tình cảm tốt đẹp và đạo lý “ thương người như thể thương thân”

CHƯƠNG IV

VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI VÀ MỪNG THỌ

Điều 11: Xây dựng gia đình là việc lớn trong đời, mỗi cặp vợ chồng trước khi tổ chức đám cưới phải hiểu rõ và thực hiện đúng luật hôn nhân và gia đình. Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, phải làm thủ tục đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới. giữ gìn nét đẹp truyền thống trong thủ tục, nghi lễ hỏi, cưới theo tập quán. Không được ép buộc tảo hôn hoặc khôi phục những hủ tục lạc hậu. tổ chức lễ cưới trang trọng, vui tươi, văn minh, lành mạnh phù hợp với nếp sống mới và hoàn cảnh của từng gia đình. Trong lễ cưới không mời thuốc lá, không tính toán vụ lợi tránh phô trương hình thức ăn uống linh đình mang tính trả nợ miệng, khuyến khích tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới bằng hình thức tiệc trà, văn nghệ chúc mừng trong lễ cưới thay ăn cỗ. Cô dâu, chú dể trang phục giản dị truyền thống phù hợp với phong tục địa phương, việc đón đưa dâu không nên tổ chức rườm rà, cầu kỳ, đua đòi diễu hành phô trương. Gia đình cô dâu, chú rể nên sử dụng các bản nhạc, ca khúc lành mạnh, nhảy múa văn minh phù hợp với lễ cưới. không được chiếu băng hình, bản nhạc nhảy múa kích thích bạo lực, đồi trụy, âm thanh mở vừa phải thời gian sau 6h sáng và nghỉ trước 22h   đêm để đảm bảo sức khỏe cho các gia đình xung quanh.

Điều 12: Tổ chức tang lễ cốt yếu bày tỏ lòng thương tiếc người quá cố nên phải trang nghiêm, thành kính, chu đáo. Khi có người chết gia đình hiếu chủ phải báo ngay với trưởng thôn, và làm thủ tục khai tử. thôn thành lập ban tang lễ do trưởng thôn phụ trách điều hành việc tang theo nghi thức. Không để thi hài trong nhà quá 48h. trường hợp người chết do bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm phải chôn cất ngay theo qui định của ngành y tế. Người chết ở nơi khác hoặc ở bệnh viện không được mang về nhà, phải quản tại nhà tang lễ của nghĩa trang. Khuyến khích việc hỏa táng, người quá cố. người cô đơn không nơi nương tựa, khách vãng lai. không may chết trong khu vực làng thì trưởng thôn báo ngay với Ủy ban nhân dân Xã khi được phép thì tổ chức mai táng chu đáo. Người có gốc ở quê cư trú nơi khác qua đời muốn mai táng tại quê nhà phải được phép của Ủy ban nhân dân Xã sau khi làm những thủ tục cần thiết theo qui định của chính quyền. Trong lễ tang không tổ chức làm cỗ mời khách, không mời thuốc lá, không phúng viếng bằng lễ chín, không thổi kèn đánh trống mở nhạc trước 6 giờ sáng quá 22h đêm. Không lợi dụng việc tang lễ để đánh bạc sát phạt nhau. Không nên tung vàng mã khi đưa tang. Các tuần tiết như cúng 49 ngày, giỗ đầu, cải táng chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình nội, ngoại và anh, em thân tình. Không nên  tổ chức làm cỗ mời rộng rãi.

Điều 13: Việc chôn cất người chết phải trong khu vực nghĩa trang theo sự hướng dẫn của người quản trang, người chết đủ 36 tháng trở lên mới cải cát. Sau khi cải cát gia đình phải moi hết ván gỗ, san lấp bằng phẳng, vệ sinh sạch sẽ. mộ chôn một lần không cải táng nếu xây phải theo qui định chiều dài không quá 2m chiều rộng 1m chiều cao 1m, mộ cải táng nếu xây phải theo qui định trong diện tích 1m2 cao không quá 0,8m. không lợi dụng việc xây mộ để xây tường bao chiếm giữ đất.

Điều 14: Lễ hội là hình thức hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thu hút nhiều người tham gia. Lễ hội truyền thống làng Vân Môn được tổ chức vào ngày 6 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng làng. Trước khi mở hội các cụm dân cư phải tổ chức vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, và vệ sinh di tích ( đình, chùa ) phong quang sạch đẹp. Việc cúng tế phải thực tâm hướng thiện, không được lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan và chơi cờ bạc. Việc tổ chức lễ hội phải đúng qui chế và hướng dẫn của ngành văn hóa thông tin, cờ tôn giáo ngũ sắc chỉ được treo ở khu di tích và phải thấp hơn cờ tổ quốc, trong thời gian diễn ra lễ hội không làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất, công tác, học tập, an ninh trật tự an toàn xã hội.

Điều 15: Mừng thọ là việc làm tốt đẹp thể hiện tình cảm tôn trọng đối với các bậc cao niên. Các cụ được tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi thì hội người cao tuổi Thôn, Làng và Ủy ban nhân dân Xã tổ chức mừng thọ trang trọng, ý nghĩa thiết thực cốt động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích và thể hiện tình cảm kính trọng người cao tuổi. việc tổ chức mừng thọ, mừng nhà mới, mừng sinh nhật gia chủ nên tổ chức gọn nhẹ, vui vẻ. Nên dùng trầu, nước, bánh kẹo tiếp khách, không nên mời thuốc lá và mời cỗ.

CHƯƠNG V

PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG

Điều 16: Phát triển kinh tế nâng cao đời sống là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân. Các cụm dân cư tổ chức khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả, đúng mục đích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm mới để tăng thu nhập.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân phải gắn với việc bảo vệ sản xuất, kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của người khác.

Điều 17: Mọi người trong làng có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất,

kinh doanh, dịch vụ, giúp nhau vay vốn giải quyết việc làm, truyền đạt kinh nghiệm nhằm đạt tới hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Khuyến khích mọi gia đình, mọi người làm giàu chính đáng, mở mang ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi… nhưng phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo qui định của pháp luật. Phát triển ngành nghề mới cần đi đôi với xây dựng, phục hồi nghề truyền thống nhằm thu hút sức lao động ở địa phương tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế nâng cao đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả theo qui định của pháp luật.

Điều 18: Khi xây dựng cơ sở hạ tầng của Thôn, Các cụm dân cư ( đường giao thông, nhà văn hóa) phải tiến hành các bước theo qui hoạch, trình tự theo qui chế dân chủ ở cơ sở. nếu số người được triệu tập họp không đủ theo qui định thì cụm dân cư tiến hành phát phiếu tới từng hộ để lấy ý kiến, nếu đa số tán thành thì mới triển khai. Các khoản đóng góp xây dựng công trình công cộng phải được bàn bạc thống nhất, thông qua sự đồng thuận của nhân dân mới được tiến  hành.

CHƯƠNG VI

AN NINH TRẬT TỰ XÓM LÀNG

Điều 19: Mọi công dân phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc và các nghĩa vụ đối với nhà nước và địa phương. Mọi người nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. thực hiện tốt việc khai báo tạm trú, tạm vắng những người làm ăn xa hoặc có việc đi xa quê dài ngày phải khai báo tạm vắng, xin giấy chứng nhận của chính quyền địa phương. Hộ gia đình có người lạ lưu trú qua đêm phải báo với cụm trưởng, hoặc an ninh xã để tránh gây ra những điều nghi vấn. Nếu trong thôn xóm kẻ gian trộm cắp tài sản mọi người phải cùng nhau bắt giữ giải lên công an xã để giải quyết, không được xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người phạm pháp.

Điều 20: Mọi người có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm, không phát ngôn tùy tiện trái với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, không kích động gây chiến tranh tâm lý, gây rối trật tự, tích cực đấu tranh chống âm mưu “ diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Điều 21: Không để các hành vi  trộm cắp, lừa đảo, xâm phạm tài sản của tập thể và cá nhân. Không được tổ chức đánh bạc, gá bạc, mua bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy. Mọi người tích cực đấu tranh bài trừ mê tín dị đoan, trộm cắp, rượu chè bê tha, trích hút ma túy tệ nạn mại dâm và các loại văn hóa phẩm đồi trụy phản động. Không nên tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, chất nổ. không dùng chất nổ, xung điện để đánh bắt cá gây ảnh hưởng tới môi trường.

Điều 22: Toàn dân có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ cảnh quan di tích, đình chùa, nhà bia liệt sỹ. nêu cao trách nhiệm tự bảo vệ tài  sản riêng của gia đình, ban đêm hoặc khi vắng nhà phải khóa cửa bảo vệ đề phòng kẻ gian, những người vi phạm pháp luật dưới 16 tuổi nếu gây thiệt hại tới tài sản của người khác thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường.

Mọi tranh chấp về quyền lợi, mâu thuẫn cá nhân cần được hòa giải từ cơ sở. Đơn thư khiếu nại của công dân phải được gửi đúng nơi có thẩm quyền giải quyết theo qui định của luật khiếu nại, tố cáo. Không lôi kéo đông người tập trung khiếu kiện vượt cấp.

 Điều 23: Mọi người phải nêu cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, không để trẻ em, nghịch lửa, nghịch điện gây nguy hiểm. Các hộ dùng điện nên sử dụng thiết bị điện đảm bảo an toàn, chấp hành nghiêm chỉnh qui định của ngành điện về an toàn sử dụng điện, cột bắc dây điện phải chôn chắc chắn, đảm bảo đủ độ cao cần thiết không thả diều, đá bóng… dưới đường dây tải điện. khi xảy ra hỏa hoạn mọi người cần bình tĩnh cắt nguồn điện rồi tập trung cứu hỏa.

CHƯƠNG VII

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Điều 24: Mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng như: trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm xá, đê điều… khi xây dựng các công trình nhà ở, tường bao không được lấn chiếm đất công, phải đảm bảo an toàn các công trình tập thể và hàng xóm xung quanh. Không nên việc đào phá lấy đất gần đường trục, cầu cống, đê kè. Không để các loại vật liệu xây dựng, vật phế thải trên đường làm cản trở giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan làng xóm, không được lấn chiếm và làm hư hại, ảnh hưởng các công trình phúc lợi công cộng. Không được vẽ, viết bậy, bôi bẩn, dán quảng cáo, rao vặt lên tường nhà, tường bao công cộng, cột điện. làm mất mỹ quan Làng xóm.

Điều 25: Toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Tổng vệ sinh môi trường hàng ngày, thu gom rác thải trong các ngõ xóm về nơi qui định. Các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh không được vứt các loại bao, bì, rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, Không được ngăn mương để nuôi vịt, ngan, ngỗng hoặc ngâm, chứa tre, gỗ, không được thả rông súc vật ra ngoài đường. Mọi nhà tự giác chôn súc vật, động vật chết tại vườn, ruộng nhà không vứt ra đường gây ô nhiễm môi trường.

Điều 26: Mọi người phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mình và người thân. Cần thực hiện thói quen ăn chín, uống sôi, nằm ngủ mắc màn, rửa tay sạch trước khi ăn và các khuyến cáo của cơ quan y tế về tiêm phòng dịch bệnh.

Các cụm dân cư duy trì tổ chức tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh vào sáng thứ bảy hàng tuần.

Các hộ gia đình nên có công trình: giếng nước, bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, hợp vệ sinh. Phải chấp hành các qui định của pháp lệnh thú ý, tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm, nếu gia súc, gia cầm bị dịch bệnh thì không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ, phải báo ngay cho cơ quan thú y để xử lý tránh lây lan dịch bệnh.

CHƯƠNG VIII

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀTỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27: Hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy ước của Làng được ghi vào sổ vàng truyền thống, được nêu gương người tốt, việc tốt trong hội nghị nhân dân, biểu dương trền đài truyền thanh, được công nhận các hình thức khen thưởng do cộng đồng thỏa thuận, được cụm dân cư đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo qui định của luật thi đua – khen thưởng.

Điều 28: Hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong quy ước này thì tùy theo mức độ mà xử lý.

Vi phạm lần đầu, lỗi nhẹ thì phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp cụm dân cư.

Vi phạm từ lần thứ hai và các lỗi nặng thì đưa ra kiểm điểm tại cộng đồng, tại các cuộc họp toàn thể nơi người vi phạm tham gia sinh hoạt, đưa tin thông báo lên loa truyền thanh, phạt lao động công ích. Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm quy ước mang tính độc lập, không thay thế các biện pháp xử lý theo qui định của pháp luật.

Điều 29: Trưởng thôn có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân thực

hiện qui ước, ban công tác mặt trận cùng các đoàn thể chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên phối hợp tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên, thanh niên thực hiện có hiệu quả những điều ghi trong quy ước.

Điều 30: Nội dung quy ước làng Vân Môn gồm 8 chương 30 điều thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, được đại đa số nhân dân đồng tình, nhất trí thông qua và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện quy ước sẽ được bổ sung, sửa đổi khi tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi và theo nguyện vọng của nhân dân. Việc sửa đổi, bổ sung quy ước phải do hội nghị toàn thể nhân dân trong làng quyết định.

Tất cả mọi người, mọi gia đình trong các cụm dân cư thuộc làng Vân Môn có trách nhiệm thực hiện quy ước này./.

                                       Trung Châu, ngày 01 tháng 5 năm 2012

                                         TM Ban Sửa Đổi, Bổ Sung Quy Ước Làng Vân Môn

                                         Trưởng Ban.